Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều thực hiện đúng quy định pháp luật về chính sách tiền lương. Thế nhưng, khoản lương đó chỉ đáp ứng được 60% mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ)…
Vợ chồng anh Huỳnh Văn Tuấn và chị Lê Thị Thảo từ Quảng Bình vào Khánh Hòa làm công nhân tại Công ty TNHH Thực phẩm Sakura (phường Phước Long, TP. Nha Trang) đã được 8 năm. Mỗi tháng, thu nhập (kể cả tăng ca) của hai vợ chồng chỉ xấp xỉ 10 triệu đồng nên phải chi tiêu rất dè xẻn. “Tiền nhà, tiền ăn, tiền học cho 2 đứa nhỏ cũng xấp xỉ thu nhập của vợ chồng tôi nên không tích lũy được gì. Căn phòng trọ hiện nay ẩm thấp, chật chội nhưng chúng tôi không có ý định thuê ở nơi khác vì lo giá cao hơn ”, chị Thảo nói.
5 năm làm việc tại Công ty TNHH Tín Thịnh (Khu công nghiệp Suối Dầu), hàng tháng, tổng thu nhập của vợ chồng anh Nguyễn Văn Quang được hơn 8 triệu đồng. Anh Quang chia sẻ: “Giá cả thị trường ngày một tăng cao, lương công nhân cũng tăng nhưng chậm và thấp. Gia đình tôi phải hết sức tiết kiệm mới đủ chi tiêu. Chính vì thế, cuộc sống của gia đình luôn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn”. Do mức lương còn thấp nên anh Quang thường xuyên xin làm tăng ca để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình.
Thực hiện quy định của pháp luật về chính sách tiền lương, hàng năm, Công ty TNHH Komega-X (Khu công nghiệp Suối Dầu) đều nâng lương tối thiểu vùng, xây dựng thang bảng lương, chỉ trả lương, thưởng đối với hơn 1.000 công nhân đúng thời gian quy định, không để xảy ra tình trạng nợ lương của công nhân. Tuy nhiên, mức tiền lương của công nhân lại khá thấp, trung bình hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tại Công ty Cổ phần May Khánh Hòa (Cụm công nghiệp Diên Phú), mức tiền lương trung bình của hơn 500 công nhân cũng chỉ ở mức 3,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, người cao nhất hơn 5,5 triệu đồng, người thấp nhất hơn 3 triệu đồng...
Giờ làm việc tại Công ty TNHH Komega-X
Hiện nay, hầu hết DN trên địa bàn tỉnh đang áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Theo đó, mức lương 3.320.000 đồng/tháng áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn TP. Nha Trang và Cam Ranh; mức lương 2.900.000 đồng/tháng áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và các huyện: Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh; mức lương 2.580.000 đồng/tháng áp dụng đối với DN hoạt động ở huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Trường Sa.
Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, qua khảo sát cho thấy mức lương hiện nay của công nhân mới chỉ đáp ứng khoảng 60% mức sống tối thiểu. Nếu DN chỉ trả tiền lương cho NLĐ dựa trên mức lương tối thiểu vùng chắc chắn NLĐ sẽ không đủ sống. Vì thế, một số DN phải trả thêm các khoản phụ cấp hoặc trợ cấp bổ sung để NLĐ có mức thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều DN, nhất là DN nhỏ, vừa và có vốn nước ngoài chủ yếu dựa vào lương tối thiểu để trả cho NLĐ hoặc trả cao hơn lương tối thiểu vùng một chút, đồng thời lấy tiền lương này làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. NLĐ làm việc ở những đơn vị này thường phải chịu áp lực lớn vì lương tính theo sản phẩm. Từ đó, dẫn đến thu nhập của NLĐ còn khá thấp so với những loại hình DN khác. Do mức lương còn thấp nên có hơn 70% công nhân muốn tăng ca để có thêm thu nhập. “Chính vì mức lương DN trả cho công nhân còn thấp nên nhiều DN hiện nay rơi vào tình trạng khó tuyển được lao động. Thậm chí, nhiều NLĐ đã bỏ việc để tìm việc làm ở những nơi trả lương cao hơn”, ông Trí nói.
Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, tiền lương bình quân của công nhân hiện nay khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập ấy, cuộc sống của công nhân gặp nhiều khó khăn. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần có chính sách hỗ trợ xây nhà ở, chợ giá rẻ cho công nhân. Đặc biệt, các DN cần quan tâm nâng lương, thưởng và hỗ trợ thu nhập cho NLĐ. Có như thế, cuộc sống công nhân mới dần được cải thiện, nâng cao chất lượng.
Nguồn : Báo Khánh Hòa điện tử